Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Du lịch lý sơn thăm di tích đặng thùy trâm

Cho tới nay mặc dù chiến tranh đã lùi xa, tất cả mọi chuyện tưởng chừng như chìm vào quá khứ.Biết bao năm trôi qua vẫn không xóa nhòa vẻ đẹp của một tấm lòng về một con người. Đấy là nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, với những dòng nhật ký và cuộc đời của chị. Những người lính Mỹ ngày xưa thích thú xem qua những trang viết về cuộc đời của chị, rồi họ kính phục, gìn giữ để cho chị sống mãi trong lòng Tổ quốc.
dulichlyson-tham-ditichdangthuytram

Một bác sĩ hay nói đúng hơn là một chiến sĩ cứu người, Thùy Trâm hiền hòa trong vòng tay yêu thương, che chở của bà con Đức Phổ (Quảng Ngãi) và hiên ngang anh dũng trong lòng địch đánh phá dữ dội, để rồi trở thành bông hoa bất tử trên miền quê sơn cước của miền Nam thân yêu. Những trang đời và trang nghề của chị không hề có giọt nước mắt bi lụy. Chị luôn dõi theo bệnh nhân bằng đôi mắt và tấm lòng của mình, chị mang đủ cung bậc tâm trạng khi người chiến sĩ-đồng đội của mình bị trọng thương.
nhatkidangthuytram


Nhìn San “lòng mình vui sướng biết bao khi thấy San ngồi dậy nét mặt anh càng in nỗi đau đớn, mệt nhọc nhưng nụ cười gượng nở trên môi”. Chị ca ngợi người thương binh trẻ tuổi dũng cảm, và thương anh bằng một tình thương rộng rãi, tình thương của một người thầy thuốc. Chị chúc San “mau bình phục để trở về với đội ngũ chiến đấu”. Thật thú vị, lý tưởng và thiêng liêng biết bao khi họ phải “cãi nhau về chuyện phải chết thì ai nên chết. Mình nhường cho San sống vì đời San chưa được hưởng sung sướng và bởi vì San là đứa con duy nhất của một bà mẹ góa đã ở vậy nuôi con từ năm 21 tuổi đến bây giờ”.

Chiến tranh và tội ác không chừa một ai. Anh Bốn, người bệnh binh “một chân đã bị mìn tiện cụt” vậy mà con người gan dạ này vẫn nằm im lìm không rên la. Khi Thùy Trâm và đồng chí của mình cắt cụt chân xong, anh Bốn lạc quan nói rằng: “Bây giờ chắc sống 80% rồi”. Riêng Thùy Trâm vừa lo lắng vừa hy vọng. Nhưng khi Bốn chỉ vừa nhóm lên niềm hy vọng thì tức khắc đã tắt lịm rồi. Máu anh chảy ra quá nhiều, anh không vượt qua nổi, Thùy Trâm thốt lên: “Bốn ơi, máu em đã thấm đỏ trên mảnh đất quê hương, máu em đã chảy dài trên đường đi chiến đấu. Tim em đã ngừng đập cho trái tim Tổ quốc muôn đời đập mãi”.

Ao ước của Đặng Thùy Trâm vừa giản dị mà vừa cao cả là mong sao cho Tổ quốc được hòa bình để “sau này nếu được sống trong hoa thơm, nắng đẹp của xã hội chủ nghĩa hãy nhớ và nhớ mãi cảnh này”. Cảnh của hàng vạn người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, bỏ ra xương máu giành lấy độc lập tự do cho đất nước, cho chủ nghĩa xã hội đọng mãi trong lòng cô Thùy – người con gái Hà Nội thâm trầm, mãnh liệt.

Đức Phổ - Quảng Ngãi, mảnh đất anh hùng này vẫn còn nặng những đau thương. Máu đổ, xương rơi cứ nhắc hoài tên Thùy Trâm bên trạm xá. Và chưa một lần nào người con gái Hà Nội này khỏi những băn khoăn, trăn trở trước những cơn đau của bệnh nhân. Chị tìm thấy được sự đồng cảm với họ từ nụ cười, ánh mắt, cử chỉ, hành động và cả những giọt mồ hôi lắng đọng trên từng vầng trán người chiến sĩ. Ở những nét giản dị rất đời thường như vậy, cho mọi người hiểu rằng Thùy Trâm mang dáng vóc của chủ nghĩa nhân văn và tinh thần của chủ nghĩa xã hội sâu sắc.

Bên trạm xá của mình, mỗi ngày cứ thêm cho chị những trang nhật ký đẹp, không kém phần xót xa, căm giận bọn khát máu giết người vô nhân đạo. Bao nhiêu đồng đội của Thùy có chung lý tưởng lần lượt hy sinh, đau xót nhưng chị không gục ngã. Đứng trên ngọn đồi cao, trông về trạm xá của mình bị kẻ thù đốt phá, khói bốc nghi ngút, Thùy Trâm “rưng rưng nước mắt”, mối căm thù của chị “nóng bỏng như ánh nắng mùa hè”. Không có con đường nào khác hơn “là phải đánh cho không có một tên đế quốc nào trên đất nước ta, lúc đó mới có thể có hạnh phúc”.

Giữa bốn bề của miền sơn cước âm u, cuộc sống chiến đấu hết sức gian khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Những trang viết hàng ngày của chị chưa bao giờ thấy than thở, kêu rên bởi đây cũng là sự thành kiến của người chiến sĩ cách mạng. Nhật ký của chị như ngọn lửa bập bùng cháy mãi mối căm thù giặc. Chị sống, chiến đấu “và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc”. Những dòng nhật ký của Đặng Thùy Trâm luôn tuôn chảy những sự dâng hiến bất ngờ “con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc” - Đặng Thùy Trâm đã tâm sự với mẹ mình như vậy.

Những trang nhật ký đầu tiên của chị chan chứa khát vọng được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Nỗi khát khao ấy luôn thường trực trong tim chị. Chị muốn mình trở thành người con ưu tú của Đảng để được sống, cống hiến, được làm người chủ nghĩa xã hội thực thụ. Chị nói với mẹ: “Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng”. Đời người ai cũng sống chỉ có một lần và ra đi mãi mãi “phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí”(N.A.Otrosky). Tổ quốc có một phần máu thịt của chị-Thùy Trâm đã trở thành người con ưu tú của Đảng.

Trang nhật ký cuối cùng của chị viết vào ngày 20.6.1970 như một sự dự cảm trước cuộc đời của mình. Chín ngày mòn mỏi chờ đợi đồng đội trở lại nhưng chờ mãi… vẫn biệt tăm vô âm tín. Thùy Trâm có cảm giác cô đơn, nhói lên cái sự “thèm người”, chị mong có một bàn tay “để nắm chặt bàn tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương sức mạnh để vượt qua những chặng đường trước mắt”. Cách hai ngày sau Thùy Trâm hy sinh trong một trận càn của giặc Mỹ. Thùy Trâm đi rồi, tuổi trẻ của chị đã dừng lại, bao ước vọng, tình thương cả cay đắng, ngọt bùi theo linh hồn của chị mà lan tỏa trên mọi miền quê của Tổ quốc.

Nhà văn Vương Trí Nhàn khẳng định “sự tận tụy làm người của Đặng Thùy Trâm là nhân tố khiến cho những người lính Mỹ khác hẳn về lý tưởng cũng phải kính trọng”. Qua tấm gương liệt sĩ-bác sĩ Đặng Thùy Trâm, ta thấu hiểu hơn về cách sống, cách làm người của người phụ nữ Việt Nam – con người của chủ nghĩa xã hội. Thùy Trâm, quả thật chị “sống khôn mà thác thiêng”.
...
Xem thêm: Du lich ly son

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét